Marketing 0 đồng, lời khuyên của anh Pewpew
Thêm 2 cách nữa để rèn giũa tư duy hệ thống
Hello mọi người, sau 1 tuần im ắng vì lí do sức khỏe tinh thần hơi “bất ổn”, giờ thì mình đã khỏe hơn và quay trở lại với mọi người rồi đây.
Vì tuần trước đã lỡ hẹn với mọi người, nên mình đã viết bài này trong hôm nay, coi như là bù đắp cho sự thiếu hụt của bài viết tuần trước nhé.
Hi vọng rằng nó sẽ giúp mọi người có thêm góc nhìn mới trong cách rèn luyện tư duy hệ thống, thông qua hai câu chuyện gần đây của mình.
Chuyện mình gặp 2 dòng marketing ở khu đô thị gần nhà
Hôm ấy mình đang đi bộ trên đường thì bắt gặp cái này, cảm xúc thích thú xen lẫn khó hiểu đã khiến mình phải dừng chân và chụp ảnh lại ngay.
Lúc đầu mình chỉ nhìn trực diện và tập trung vào 2 dòng “Cơm - SĐT” thôi, nên mình đã không thực sự hiểu:
Vì sao lại chỉ có 2 dòng như thế?
Vì sao chúng lại được sơn trên tấm cửa đó?
Vì sao lại sơn to như thế?
Cho đến khi mình về nhà, có thời gian chậm lại một nhịp và nhớ về tư duy hệ thống, mình hiểu rằng để trả lời được những câu hỏi trên thì mình cần đặt nó vào một bức tranh lớn hơn, với bối cảnh cụ thể.
Vậy bức tranh ấy sẽ có gì?
Bức tranh ấy có 1 công trường đang được xây dựng,
có hàng rào chắn quanh khu vực đó,
trên hàng rào đó được sơn 2 dòng marekting to đùng,
và quan trọng là trong đó có người: những người thợ xây ngày đêm thay phiên nhau làm việc, cả những người vận chuyển ngày đêm lái xe để cung cấp nguyên vật liệu cho công trường.
Nếu bức tranh kia chuyển động thì những con người ấy sẽ thay phiên nhau đi vào công trường, ở ngay sát cánh cửa có dòng chữ kia. Họ bê vác, xúc vữa, điều khiển máy móc liên tục, không ngừng nghỉ.
Khi hết ca, chắc hẳn họ sẽ rất mệt và đói.
Mình hiểu cảm giác mệt mỏi ấy, vì mình cũng đã từng làm 2 công việc vất vả tương tự, đó là xếp kho hồi còn làm ở Winmart và phụ bố dọn bể nước. Những thùng hàng, thùng nước rất nặng được mình lấy tay đỡ và bê lên, cứ liên tục, liên tục đến chục phiên như thế.
Mặc dù không thể so sánh mức độ công việc nào vất vả hơn, nhưng giữa chúng đều có một điểm chung, đó là sau khi làm xong thì người làm chỉ muốn nằm nghỉ thôi, có cái gì ăn hay uống được ngay là tốt lắm rồi.
Vậy thì việc marketing trong bức ảnh phía trên đã làm tốt như thế nào?
Người sơn có lẽ đã rất hiểu đặc điểm tâm lí, hành vi của những người làm ở công trường nên mới có 2 dòng rất trực diện như thế.
Họ biết có người/xe ra vào cửa liên tục, hoặc đi bộ dọc theo con đường đó, nên họ sơn to lên hàng rào và ngay sát cửa
Họ biết sau khi làm xong thì công nhân sẽ rất mệt và đói, cách nhanh nhất để giải quyết sự "đói khát" ngay lúc đấy, đó là gọi để đặt cơm ngay
Mình đã thắc mắc vì sao không phải là 1 menu gồm các món đi kèm với giá tiền, mà chỉ là 2 dòng cơm + sđt, thì sau khi nhớ đến kiến thức về tải nhận thức, thì mình cũng hiểu ra, cái gì càng ngắn gọn và trọng tâm thì con người sẽ dễ nhớ và dễ dùng hơn là những thứ dài loằng ngoằng.
Với tâm lí mệt mỏi và chỉ cần có cái ăn ngay lúc đó, thì việc gọi ngay SĐT để đặt cơm sẽ nhanh hơn rất nhiều là cân nhắc giữa các món rồi mới gọi.
Vậy là nếu chỉ nhìn đơn lẻ vào 2 dòng chữ kia thì mình sẽ không hiểu được vì sao lại như vậy, nhưng khi mình nhìn vào một bức tranh lớn hơn, phân tích bức tranh ấy thành các thành phần nhỏ hơn, rồi đặt những câu hỏi vì sao để kết nối chúng, mình đã hiểu hơn về cách marketing này.
Đương nhiên đây chỉ là góc nhìn cá nhân của mình, nếu bạn đã từng làm một công việc tương tự, hoặc có góc nhìn khác về kiểu marketing này, hãy comment chia sẻ cùng mình ở dưới nhé.
Chuyện mình xem talkshow của anh Pewpew
Đây là 1 trong những streamer mà mình rất ngưỡng mộ về tư duy cũng như sự trải đời (cùng với anh Độ Mixi :D)
Mình rất ấn tượng với một lời chia sẻ của anh Pew về chuyện giao tiếp, đó là anh ấy đã đã rèn luyện được cách nói chuyện với bất cứ người lạ nào. Khi đến những nơi mới, thay vì dành thời gian để tham quan, ăn uống, anh ấy trò chuyện với những người làm việc ở đấy.
Và lời khuyên của anh Pew (đặc biệt dành cho người trẻ), đó là: Hãy rèn luyện kĩ năng giao tiếp với người lạ.
Khi các bạn có thể trò chuyện được với bất cứ ai, bất cứ ngành nghề nào trong cuộc sống, đó cũng là 1 cơ hội để các bạn hiểu rõ hơn về cách thế giới này vận hành.
Là một người nghỉ việc cả năm nay và gần như không giao tiếp với người lạ, mình cũng có phần hơi “ngứa miệng” sau khi nghe anh Pew khuyên như thế.
Thế là mình quyết định thử nói chuyện với mấy người lạ gần đây, và mình thấy đúng, đó là hiểu được cách cuộc sống ngoài kia vận hành như thế nào, đặc biệt là với những khía cạnh mình không trực tiếp trải nghiệm.
Mình nói chuyện với một cô bé bán quần áo ở gần trường Đại học Kinh tế Quốc dân (yeah, mình sắp đi làm lại rồi mọi người ạ :P)
Mình tốn 40 phút để mua xong đồ nhưng đã thêm 2 tiếng để buôn dưa lê cùng bạn ấy =))))
Có lẽ cũng vì hợp tần số mà đại từ xưng hô của bọn mình đã được tiến hóa rất nhanh từ bạn - mình, rồi đến mày - tao và cuối cùng là chị - em (hỏi ra mới biết bạn ấy kém mình 5 tuổi lận)
Và điều quan trọng là mình biết được một số thông tin về bạn cũng như công việc hiện tại mà bạn đang làm:
Bạn ấy học ngành Công nghệ may tại trường Đại học Bách Khoa, chuyên về vận hành máy móc, trong đó có học về kĩ thuật hóa học và một môn Cơ bản, trong đó là lúc thi phải vẽ được cấu trúc hình học của các loại vải được học
Bạn ấy làm ở đây 2 năm rồi, lương khởi điểm là 16k/giờ, sau đó mỗi năm tăng 1k @.@
Mình cũng hơi ngạc nhiên lúc đầu, nhưng khi đặt nhiều câu hỏi hơn thì mới hiểu vì sao lương ở đây (và cả lương tăng) lại thấp đến vậy.
Khi mình mua thì hoàn toàn là tự chọn, tự thử chứ bạn ấy không chủ động tiếp đón, tư vấn hay hỗ trợ gì cả.
Khi mình trao đổi về việc tại sao lại không ra tư vấn với khách, bạn ấy bảo đa số người mua là khách quen và người ta qua mua là có nhu cầu
Tức là ở đây bạn ấy không được đào tạo một cách bài bản về dịch vụ tư vấn và chăm sóc khách hàng.
Vậy là mình có thể tạm đưa ra một nhận định: đó là nhân viên ở đây sẽ được hướng dẫn chủ yếu để vận hành được một cửa hàng (chứ không phát triển hoạt động hay doanh thu), do đó sẽ không yêu cầu cao về năng lực, nên là mức lương của họ sẽ không thể cao được.
Đến sáng hôm sau thì mình nói chuyện với cô lao công ở khu đô thị gần nhà.
Mình hỏi chuyện rằng cô đã làm việc ở đây lâu chưa, cô bắt đầu kể là cô ở đây được 2 năm rồi, từ hồi có tòa A kia, rồi xây dựng tòa B này thì cô về đây.
Cô kể rằng mình có 2 người con trai (đều đã có công việc ổn định), hai anh cũng muốn kết hôn lắm rồi nhưng mãi chưa lấy được vợ, dù đã được mai mối và gặp gỡ con gái người ta hẳn hoi rồi đấy.
Anh lớn (sinh năm 90) gặp một bạn sinh năm 2001, bạn ấy từ chối vì muốn tập trung phát triển sự nghiệp (trong khi anh ấy lại muốn quen để sớm tiến tới hôn nhân)
Anh bé (sinh năm 94) gặp một bạn (mà mình cũng không rõ sinh năm bao nhiêu), bạn ấy từ chối vì muốn lấy một người đàn ông có địa vị và tiền bạc (hơn anh ấy).
Khúc này cô ấy cũng khá lo rằng con trai mình sẽ có suy nghĩ “sợ lấy vợ”, vì anh ấy đã bị một người từ chối do địa vị, tiền bạc thì sẽ dễ bị thiên kiến rồi cho rằng những người con gái khác cũng như vậy…
Nghe xong câu chuyện của hai anh thì mình càng tin vào một điều: Để yêu và tiến tới hôn nhân thì phải có sự phù hợp giữa hai bên, trong đó gia cảnh và sự ưu tiên trong cuộc sống là 2 trong số rất nhiều những khía cạnh khác cần phải cân nhắc (bên cạnh yếu tố về ngoại hình, tư duy, đạo đức, quan điểm sống,…)
Vậy là sau khi nói chuyện với 2 người lạ, mình vừa hiểu biết thêm về 1 lĩnh vực mình không chuyên (bán quần áo), và ngày càng có niềm tin hơn vào câu nói ngày xưa của các cụ, đó là "Gió tầng nào thì gặp mây tầng đấy".
Ngày trước mình có gợi ý cho mọi người một cách để rèn luyện tư duy hệ thống, đó là viết, bởi vì bản chất của viết tương đương với tư duy hệ thống: Đều là xác định kết quả trước (tương ứng với giá trị/thông điệp/ý tưởng của bài viết), rồi mới tới quy trình (Lên dàn ý chi tiết, viết nháp, chỉnh sửa).
Mọi người có thể đọc chi tiết bài viết ở đây nhé.
Bây giờ mình có thêm 2 cách nữa, đó là hãy tiếp thu những thông tin mang tính hệ thống, thông qua việc tự quan sát và phân tích, hoặc giao tiếp có chiều sâu với người khác. Không chỉ là nhìn thấy chúng diễn ra như thế nào (what happend), mà còn trả lời được câu hỏi vì sao chúng lại diễn ra như vậy (why happend).
Việc giao tiếp với người khác sẽ dễ dàng trả lời câu hỏi why hơn, vì khi đối phương đã thấy an toàn và cởi mở chia sẻ rồi, thì chúng ta dễ dàng đặt những câu hỏi sâu hơn để hiểu hơn câu chuyện đằng sau.
Còn việc quan sát để tự chiêm nghiệm, mặc dù mang tính phán đoán cá nhân, nhưng mình thấy cũng có cái hay của nó, vì mình đã tự xây dựng được trực giác hay góc nhìn riêng về điều đó, khiến cho nhân sinh quan về thế giới này mang đậm dấu ấn cá nhân hơn (thay vì cố gắng tìm kiếm góc nhìn trên google hoặc hỏi mấy bạn AI).
Vậy còn bạn thì sao? Bạn đã từng làm gì để rèn luyện tư duy hệ thống, hay hiểu hơn về cách thế giới này vận hành?
Chia sẻ cùng mình ở phần comment nhớ ^^
P/s: Mình đã tóm tắt nội dung chính của bài viết này, kéo xuống phần comment để tham khảo nhé :D
Các cách để rèn luyện tư duy hệ thống
(1) Viết
Bạn có thể tham khảo chi tiết tại bài viết này nhé: https://thesimpleone.substack.com/p/e-ren-luyen-tu-duy-he-thong-hay-viet
--
(2) Tự nhìn nhận một bối cảnh cụ thể có tính hệ thống bằng việc
- Phân tích ra các thành phần nhỏ lẻ
- Đặt câu hỏi "Tại sao" để hiểu tính liên kết giữa các thành phần đó
--
(3) Giao tiếp có chiều sâu với người lạ về ngành nghề của họ
- Đặt những câu hỏi bề nổi: What/When/...
- Đặt những câu hỏi bề chìm: Why
Người ta còn quảng cáo cả cửa nữa.
Mình đã nghĩ đến 2 kiểu, 1 là cửa giống như rào chắn xung quanh công trình, 2 là cửa phục vụ cho các tòa nhà đang xây kia.
Nhưng mà lại không hợp lí lắm vì dù là kiểu nào thì nó cũng thuộc về 1 danh sách trọn gói nguyên vật liệu cho cả công trình chứ nhỉ, tức là sẽ được đặt trọn gói từ bên thi công (chứ không mua lẻ và tự phát như kiểu quảng cáo kia).
Mình chỉ tư duy được cái quảng cáo cơm kia thôi, còn quảng cáo cửa thì ko nghĩ được luôn, bạn nào biết chỉ mình với nhé 😄